Dính tín dụng 'đen', khổ đến tận cùng

Giọng đàn ông la lối, mẹ tôi run rẩy rớt ngang chiếc điện thoại. Những lời chửi rủa tục tằn cứ phát ra liên hồi. Đó là những lời cay nghiệt chưa bao giờ mẹ tôi nghĩ, giờ chính mẹ phải nghe.

Quảng cáo cho vay tiền có ở khắp nơi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không chỉ một người, không chỉ một lần, lần lượt trong gia đình tôi ai cũng nhận được những cuộc điện thoại tương tự...

Em tôi học đại học tại TP Quy Nhơn. Hằng tháng, ba mẹ tôi vẫn gửi tiền chu cấp đều đặn. Sống xa nhà, không ai quản thúc, em tôi đã sa bẫy nợ nần, mọi người chỉ biết khi mọi thứ đã đi quá xa!

Sau ngày 1-10, em báo với gia đình phải chuyển trọ, cần một khoản tiền để đóng cọc, phí vận chuyển cùng một số khoản tiền khác cho đồ án tốt nghiệp. Ba mẹ tôi đâu ngờ tất cả đó đều là để đắp vào những khoản tiền lời "cắt cổ" của tín dụng "đen".

Chuyện vỡ ra khi một người thân chia sẻ cho tôi tấm ảnh căn cước công dân của em đang lan truyền trên các trang mạng xã hội kèm theo đó là những lời vu khống chiếm đoạt tài sản, lừa đảo... Biết bao bình luận, những lời ra tiếng vào được dịp nổi trôi bên dưới tấm ảnh của em tôi.

Vài ngày sau, một người đàn ông gọi cho mẹ tôi với những lời chửi rủa cay nghiệt. Anh ta bảo em tôi đã vay trên app X khoản tiền 14 triệu đồng kể cả tiền lời và phí phát sinh vì quá hạn. Anh ta cho số tài khoản rồi yêu cầu thanh toán đúng ngày, nếu không sẽ nhận được những điều mà gia đình tôi không mong muốn. 

Cuộc điện thoại kết thúc bằng những giọt nước mắt chảy dài của mẹ tôi. Nhấn số gọi lại cho người đó nhưng không thể. Họ thường dùng nhiều số điện thoại và khóa một chiều.

Liên tục mấy ngày sau đó là những cuộc điện thoại khác cho những người thân khác trong gia đình từ nhân viên của các app cho vay mới, với những món tiền triệu khác nhau. Cũng là những lời lẽ đe dọa và xúc phạm thậm tệ. Ba mẹ tôi cầm xe, bán đất, tìm mọi cách để trả hết những món nợ.

Mọi chuyện bắt đầu từ cá cược bóng đá Euro 2020 hồi tháng 7 vừa qua. Thua nối thua, nợ nối nợ, vay app này trả lãi app kia, cứ thế kéo dài mấy tháng liền và không có đường thoát ra. Khoản tiền mà em tôi nhận được từ các app luôn thấp hơn mức vay em chọn, số tiền ấy đã bị cắt xén bởi những khoản mang tên phí xét duyệt, phí giải ngân...

Cuối năm cũng là mùa tín dụng "đen" khắp nơi đòi nợ. Lại rùng mình với các kiểu nhắn tin đe dọa, điện thoại khủng bố, đăng thông tin bêu xấu lên mạng, dán chân dung lên các trụ điện, tạt sơn, thuê giang hồ đến tận nhà... là những điều mà ai từng trong cuộc mới thấu được nỗi đau. 

Có vay phải trả là lẽ tự nhiên, nhưng vay 1 trả 10, trả 20 hay gấp chục, gấp trăm lần khoản vay ban đầu thì nỗi khổ này có trời mới thấu!

Câu chuyện liên quan đến tín dụng "đen" gần đây của cô sinh viên người Bình Định phải cầu cứu các báo hay gia đình F0 tại Bình Thuận bị tạt sơn, đặt hộp hình quan tài trước cửa nhà như cùng rung lên hồi chuông cảnh báo. Mong ai cũng biết nghĩ đến gia đình trước khi vay. Và một lần nữa mong cơ quan chức năng cần mạnh tay siết tín dụng "đen".

Tôi viết lại những điều này khi câu chuyện của gia đình đã thu xếp nhưng những món nợ nhỏ vẫn còn, chưa thể dứt. Sau câu chuyện tín dụng "đen", cuộc sống của bao người bị xáo trộn. Mất nhà, mất đất, người nhà khốn khổ, hôn nhân đổ vỡ...

Tình làng nghĩa xóm, tình thân, tình đồng nghiệp trở nên khó xử hay rạn nứt trước những cảnh đời bỏ thì thương mà vương thì tội.

Nguồn TTO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ăn gì để giảm stress?