CÀM RÀM LÀ MỘT LƯỠI DAO

Trong cuộc sống gia đình, không phải nói nhiều là càm ràm. Cái gọi là “càm ràm” dùng để chỉ những câu nói cửa miệng tùy tiện, lặp đi lặp lại nhiều lần, luôn tạo cho người ta cảm giác khó chịu, vừa không để làm gì lại khó nghe. 


Đơn giản nhất là hình ảnh sau: Bà nội đưa cháu trai đang tập đi xuống sân chơi, cháu đi được một bước là bà lại đứng bên cạnh nhắc nhở “chậm thôi kẻo ngã”. Thử nghĩ mà xem, câu nói này có ý nghĩa gì với một đứa trẻ mới tập đi không? Tập đi mà ngã là vấn đề ư? Những lời bà nói sẽ giúp đứa trẻ đi cẩn thận hơn hay chỉ khiến trẻ mất tự tin vào khả năng của mình, đồng thời làm trẻ cảm thấy ngại ngùng?

Đặc điểm của càm ràm là tiêu cực, không hiệu quả, lặp đi lặp lại, những đặc điểm này bị đẩy vào người bị càm ràm, khiến họ cảm thấy không ngừng bị làm phiền, tâm lý gặp nhiều trở ngại. Do đó, chúng ta sẽ quan sát thấy một hiện tượng, một người ở chuyện gì đó bị càm ràm càng nhiều thường làm càng kém ở phương diện đó. Ví dụ có đứa trẻ vốn rất có năng khiếu và hứng thú đối với âm nhạc, được phụ huynh phát hiện nên mong tập trung đầu tư cho con để con đạt được một số thành tích, và thế là mua piano, mời giáo viên, bắt đầu ngày ngày coi chuyện học đàn là chuyện giáo dục quan trọng. Đồng thời vì chuyện này mà thường xuyên phê bình và giám sát con, mấy năm càm ràm không ngớt, kết quả là con trẻ vừa mất hứng thú với đàn piano, kỹ thuật chơi đàn cũng rất bình thường, học đàn đã trở thành chuyện cả phụ huynh và con trẻ đều cảm thấy đau khổ.

Những người thích càm ràm luôn tưởng rằng người khác cần mấy câu nói này của họ, thực ra chỉ có bản thân họ là cần. Cái mình coi là thực phẩm và đồ uống, thực tế đến tay người khác lại là rác và nước thải.

Một ngày trong năm 2007, tôi đáp tàu từ Bắc Kinh về Thiên Tân, loại tàu đầu chữ D vừa mới khai thông, đó cũng là lần đầu tiên tôi đi loại tàu này, cảm giác rất mới mẻ. Bên cạnh có ba mẹ con, bà cháu nhà nọ, cậu bé chừng 8-9 tuổi, chắc cũng là lần đầu tiên cháu được đi loại tàu này, hoặc là lần đầu tiên trong đời được đi tàu, cảm thấy vô cùng tò mò trước mọi thứ trên tàu, vừa lên tàu đã sờ mó, mân mê mọi thứ: Điều chỉnh tựa lưng của ghế ngồi, kéo rèm cửa, mở bàn ăn gắn vào tựa ghế,… Nhưng bất luận cậu làm gì, cả mẹ và bà cậu đều ngăn lại và nhắc nhở, luôn miệng nói: “Con động vào cái đó làm gì? Đừng động!”. “Cái này có gì đáng xem đâu? Ngồi ngoan nào!”. Sau khi tàu chạy, cuối cùng cậu bé đã ngồi yên tĩnh được một lát, tò mò nhìn ra cửa sổ, ngó nghiêng một lát rồi lại quay sang hỏi mẹ, tại sao cậu có cảm giác là không phải tàu đang chạy, mà là cây ngoài cửa sổ đang lùi về phía sau. Người mẹ bực bội nói: “Thôi, đó là do con hoa mắt đó thôi, suốt ngày thắc mắc”. Cậu bé cụt hứng lại nhìn ra cửa sổ. Một lát sau, cậu bé nói muốn đi vệ sinh, bà ngoại liền nhìn cậu với ánh mắt nghi ngờ rồi nói: “Vừa nãy con đi vệ sinh dưới ga rồi mà?”. Sao giờ lại đi vậy? Cậu bé liền trả lời: “Con buồn đi vệ sinh!”. Mẹ cậu liền bực bội đứng dậy nói: “Con chỉ suốt ngày quậy phá, mẹ chẳng phút nào được ngồi yên cả”. Cậu bé liền nói để con tự đi, mẹ không phải đi. Người mẹ liền đáp: “Một mình con đi sao được, con đã bao giờ đi vệ sinh kiểu đó đâu, cửa còn chẳng biết mở ấy”. Cậu bé nói: “Con mở được”, nét mặt người mẹ liền lộ rõ vẻ không thèm chấp: “Con thì cảm thấy việc gì mà con chẳng làm được”. Vừa nói người mẹ vừa đứng dậy, bước đi trước, cậu con trai miễn cưỡng theo sau. Lúc từ nhà vệ sinh quay về chỗ ngồi, người mẹ liền nói với bà cậu bé: “Con biết ngay là nó có tè gì đâu, nó chỉ muốn xem nhà vệ sinh thế nào thôi, nhà vệ sinh có gì đáng xem cơ chứ?”. Cậu bé liền giải thích: “Thì con chỉ muốn xem có giống với trên máy bay không thôi mà”. Cả mẹ và bà đều lườm cậu bé và trách: “Con chỉ nhiễu sự”, cậu bé tiu nghỉu ngồi xuống. Trong cả chặng đường dài nửa tiếng đồng hồ, người mẹ và bà đều không ngừng nói phút nào, càm rà càm ràm, nhưng gần như không có câu nào có tác dụng.

Càm ràm không có ác ý nhưng lại là một tật xấu, là một kiểu nghiện vô tình đối với hành động “kiểm soát”. Chắc chắn là người mẹ và bà cậu bé nói trên đều mong cậu thông minh, ham học, nhưng họ không biết những lời càm ràm của mình gây tổn thương cho con cháu họ như thế nào.

Dĩ nhiên con người không mềm yếu đến mức không thể tiếp nhận một vài câu càm ràm, mỗi chúng ta đều có bản năng tự thải độc, sẽ tự động hóa giải cảm giác khó chịu do những lời càm ràm gây ra. Giống như bị một cái rằm đâm vào da thịt hoặc đứt tay, chỉ hơi đau chứ không nghiêm trọng, chẳng mấy chốc vết thương sẽ tự liền. Con người sợ nhất là những lời càm ràm diễn ra thường xuyên, sự ảnh hưởng tiêu cực sẽ dần dần được thể hiện trong những năm tháng sau này, quá trình xảy ra gần như không cảm nhận được, nhưng tác động kiềm chế đối với một sinh mệnh là điều chắc chắn có. Nó giống như một lưỡi dao, từ từ bào gọt sức mạnh sinh trưởng tiêu cực trong cơ thể một con người, như trí tò mò, lòng tự tin, tinh thần trách nhiệm, khả năng phán đoán.

Nguồn Facebook

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ăn gì để giảm stress?