Gần 300.000 người Việt muốn chuyển giới

Nhu cầu chuyển giới của người Việt Nam ngày càng tăng, nhưng hầu hết ca phẫu thuật vẫn phải thực hiện ở nước ngoài.
Trần Đoàn (sinh năm 1997, TP.HCM) nhiều lần thực hiện phẫu thuật như cắt mắt, độn cằm, nâng mũi, tiêm botox và làm răng để chuyển giới từ nam sang nữ.

Tại Hội thảo tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Đến nay, hơn 60 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ.

Tại Việt Nam, gần 300.000 người mong muốn chuyển giới. Tuy nhiên, họ thường phải ra nước ngoài phẫu thuật. Việc thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể gây ra những nguy hiểm lớn về sức khỏe, tâm lý và khó khăn khi đối diện với sự thay đổi, kỳ thị từ phía gia đình và xã hội, đặc biệt là những khó khăn trong các thủ tục pháp lý, giấy tờ…

Vì sao người chuyển giới phải ra nước ngoài phẫu thuật?
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia y tế cũng nêu lên thực trạng chuyển giới ở Việt Nam. Cụ thể, trong nước không có những dịch vụ chuyên biệt hay các bác sĩ chuyên khoa về chuyển đổi giới tính. Do đó, người chuyển giới không có thông tin hướng dẫn tư vấn từ bác sĩ chuyên môn khi quyết định sử dụng hormone.

Trong số những người đang sử dụng hormone, gần 60% người cho biết họ chưa từng được khám và tư vấn trước khi bắt đầu sử dụng hormone. Với những người đã từng được nhận dịch vụ này, gần 30% nhận được tư vấn bởi chính những cá nhân người kinh doanh cung cấp hormone và dịch vụ hỗ trợ.

Những cá nhân này đa phần cũng không phải những người có chuyên môn và chỉ chia sẻ lại kinh nghiệm sử dụng hormone của bản thân hoặc tham khảo các tài liệu trên mạng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 26,9% người đã từng ra nước ngoài để được sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là tới các bệnh viện tại Thái Lan, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công.

Nhìn chung những người chuyển giới tự ý sử dụng thuốc và hormone, không được trợ giúp để được theo dõi quá trình có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tính mạng.
Người muốn chuyển giới tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện gì?

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo cơ sở pháp lý cho những người thuộc cộng đồng LGBT thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, hiểu về những tác động của việc làm này.

Theo đề cương Dự thảo Luật, người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ 4 điều kiện như: đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Dự thảo Luật cũng đưa ra ba phương án để công nhận người chuyển đổi giới tính.
– Phương án 1: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

– Phương án 2: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

– Phương án 3: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Như vậy, những người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.

Về chi phí phẫu thuật, nhóm FTM (từ nữ sang nam), tốn trung bình hơn 147 triệu đồng, với nhóm MTF (nam sang nữ), con số này là hơn 128 triệu đồng.

Chi phí phẫu thuật lớn là nguyên nhân khiến không nhiều người thực hiện biện pháp can thiệp này do không có khả năng chi trả. Điều đó cũng khiến nhiều người tìm kiếm các dịch vụ “chui” giá thấp từ các cơ sở tư nhân hoặc dịch vụ ngoài luồng của bệnh viện công lập, ẩn chứa nhiều rủi ro.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, phẫu thuật luôn tiềm ẩn những nguy cơ và rủi ro, không thể đảo ngược, cần tuân theo quy trình đầy đủ, lâu dài về tâm lý, thể chất, nội tiết tố, sống thử trước khi quyết định chuyển giới.

Nguồn news.zing.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ăn gì để giảm stress?