Bé gái dậy thì sớm có nguy cơ mắc ung thư vú
Nếu bé xuất hiện kinh nguyệt từ 8 tuổi, phụ huynh nên đưa con đi kiểm tra sức khỏe.
Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát sớm hơn bình thường. Trước đây, bé gái bước vào độ tuổi dậy thì từ 12 nhưng hiện nay độ tuổi này từ 8-12. Trong tháng 5 và tháng 6/2017, mỗi tháng bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TP HCM tiếp nhận hơn 100 ca khám về dậy thì sớm.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức TP HCM cho biết, nếu bé gái có kinh nguyệt trước 12 tuổi sẽ có thời gian tiếp xúc nội tiết tố dài, nguy cơ mắc ung thư vú sẽ cao. Thời gian dậy thì tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và yếu tố môi trường. Hiện nay, nhiều cha mẹ có tâm lý muốn ép con ăn dẫn đến tình trạng béo phì, thừa chất ảnh hưởng đến sự phát triển.
Nghiên cứu hồi tháng 4/2017 của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge cho thấy, cứ dậy thì sớm hơn bình thường một năm thì nguy cơ phát triển ung thư vú tăng 6%. Điều đó có nghĩa, một bé gái bắt đầu dậy thì khi 10 tuổi sẽ có nguy cơ ung thư vú cao hơn 12% so với một bé gái bắt đầu dậy thì vào độ tuổi 12.
Dấu hiệu và cách phòng tránh dậy thì sớm
Ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt... là dấu hiệu dậy thì sớm. Phụ huynh cần lưu ý để có giải pháp can thiệp kịp thời, đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết nhi.
Phụ huynh cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống của con, không bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng, không ăn thức ăn nhanh quá 2 lần một tuần, tránh các đồ ăn nhiều dầu mỡ, giảm ăn đồ ngọt, ăn quá nhiều loại thịt có màu đỏ..., nhưng vẫn phải đảm bảo đủ lượng protein giúp trẻ phát triển. Tăng cường các loại rau xanh, hoa quả trong chế độ ăn. Tuyệt đối không cho trẻ dùng các loại thực phẩm chức năng và kem dưỡng da chứa nội tiết tố. Khuyến khích trẻ hoạt động thể dục thể thao để tiêu hao năng lượng thừa.
An Tâm - Suckhoe.vnexpress.net
Nhận xét
Đăng nhận xét